Trang Chủ Công nghệ 5G Tài chính đầu tư Ứng dụng cuộc sống Cơ sở giáo dục thương hiệu xe hơi Trò chơi xã hội sự giải trí Khách sạn Trẻ em Tài chính Lữ đoàn văn hóa Tin tức món ăn Địa ốc Thể thao Sức khỏe thông minh thời trang

Cá chết la liệt trên khe Sào

2024-07-06 HaiPress

Thời gian gần đây,hàng tạ cá tôm sinh sống tự nhiên trên dòng khe Sào đoạn chảy qua xã Bãi Trành,huyện Như Xuân,Thanh Hóa và xã Nghĩa Yên,huyện Nghĩa Đàn,Nghệ An,chết nổi lên mặt nước. Theo người dân địa phương,tình trạng này xảy ra rải rác suốt hai năm qua,song một tuần nay lượng cá chết tăng đột biến.

Xác cá chết nổi đầy trên dòng khe Sào. Ảnh: Lê Hoàng

Khúc suối dài 5 km từ thôn 10,xã Bãi Trành về xã Nghĩa Yên la liệt xác cá,ruồi nhặng bu đầy,bốc mùi hôi thối. Nghi ngờ cá chết do nguồn nước nhiễm độc,người dân không dám vớt làm thực phẩm hoặc chế biến cho gia súc.

Từ khi tôm cá chết lượng lớn,người dân phát hiện nguồn nước ở thượng nguồn khe Sào cũng đổi từ xanh trong sang đen kịt,sủi bọt trắng đục. "Không có loại tôm cá nào có thể tồn tại dưới dòng khe đen kịt này",anh Nguyễn Anh Vương,xã Nghĩa Yên,nói.

Khe Sào (còn gọi là khe Ang) dài 25 km bắt nguồn từ xã Bãi Trành,Thanh Hóa chảy vòng qua bốn xã Nghĩa Yên,Nghĩa Mai,Nghĩa Thịnh và Nghĩa Hồng,Nghệ An rồi hợp lưu với dòng sông Hiếu.

Theo nguời dân địa phương,dòng khe Ang chưa bao giờ cạn,có nhiều loài cá,tôm sinh sống. Từ xa xưa,con khe là nguồn cung cấp nước sinh hoạt,tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ven hai bờ. Tuy nhiên,khoảng hai năm gần đây,từ khi một trang trại nuôi lợn công nghiệp đóng ở xã Bãi Trành,huyện Như Xuân đi vào hoạt động,dòng suối bỗng dưng biến đổi bất thường.

"Ban đầu nước chuyển màu xanh lơ,dần dần sang màu đen,có lúc lại đỏ quạch. Chắc chắn nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng...",anh Nguyễn Anh Dũng,44 tuổi,ở xã Nghĩa Yên,nói.

Ngôi làng của gia đình anh Dũng sinh sống là xóm 13 Lâm Sinh,cách xã Bãi Trành khoảng 3 km về phía hạ lưu,là nơi chịu tác động nặng nề khi khe Sào ô nhiễm. Gần đây người dân không dám dùng nước khe tắm giặt hoặc tưới tiêu vì sợ mắc bệnh,họ phải dùng vật dụng hứng nước mưa hoặc lấy nước ngầm ở xa con suối.

Trang trại lợn đóng ở xã Bãi Trành - nơi người dân nghi vấn xả thải khiến con suối dài hơn 25 km ô nhiễm. Ảnh: Lê Hoàng

Hộ anh Dũng trồng 2 ha cây ăn quả gồm táo và ổi,mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Từ năm 2023 đến nay,anh không dám hút nước dưới suối tưới mảnh vườn khiến sản lượng sụt giảm gần một nửa so với trước. Vườn ổi đang vào vụ ra hoa nhưng không đủ nước tưới khiến những quả non trên cành héo quắt. "Đời sống người dân đang bị đảo lộn",anh Dũng nói và cho hay,về lâu dài rất lo lắng cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.

Chị Thái Thị Minh,37 tuổi,thì cho biết nhà sống cạnh bờ khe Sào,nếu lội qua khe hoặc vô tình chạm vào nguồn nước ở đây thì sau đó da chân tay sẽ bị nổi mẩn đỏ,ngứa ngáy khó chịu.

Nghi vấn trang trại nuôi lợn đóng ở xã Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt xả thải bẩn gây ô nhiễm,hai ngày qua,chị Minh và hàng trăm người dân ở xã Nghĩa Yên đã đến cổng trang trại lợn và một số đoạn khe có mức độ ô nhiễm nặng để phản đối chủ trại.

Nhìn từ trên cao,khe Sào nước có màu đen kịt khác thường. Ảnh: Lê Hoàng

Theo chị Minh,trước đây người dân từng nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương về nghi vấn trang trại lợn gây ô nhiễm. Anh Nguyễn Anh Vương ở xã Nghĩa Yên nói cuối năm 2023,đại diện doanh nghiệp từng thừa nhận gặp sự cố nên chất thải từ bên trong tràn ra khe Sào. "Họ hứa sẽ khắc phục sớm song tình hình không có cải thiện mà ngày còn nặng nề hơn",anh Vương nói.

Trước phản ứng của người dân,ngày 5/7,Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền huyện và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An lấy mẫu nước thải quanh khuôn viên trại lợn Bãi Trành và dưới dòng khe Sào đưa đi xét nghiệm. Người dân xã Nghĩa Yên cũng cử đại diện vào trại lợn giám sát và nêu ý kiến trong buổi làm việc.

Ông Nguyễn Hữu Tuất,Phó chủ tịch UBND huyện,cho hay bước đầu chưa kết luận được trang trại lợn Bãi Trành có gây ô nhiễm cho khe Sào hay không. Kiểm tra tại hiện trường của đoàn liên ngành ngày 5/7 "chưa phát hiện trang trại xả thải bẩn ra môi trường".

Tuy nhiên theo ông Tuất,có một hồ chứa nước thải lớn trong trại lợn không có bạt lót thành và đáy nên "có nguy cơ rò rỉ phía dưới". "Cần phải chờ kết quả phân tích các chỉ số mới có cơ sở đối chiếu,xác định nguyên nhân ô nhiễm",ông Tuất nói.

Cá chết la liệt trên khe Sào

Xác cá nổi la liệt trên dòng khe Sào. Video: Lê Hoàng

Dự án trang trại nuôi lợn Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt xây dựng trên diện tích khoảng 19 ha,hoạt động tháng 10/2022,quy mô 20.000 lợn thịt mỗi lứa và 2.400 lợn nái. Ở giai đoạn một hiện nay,trang trại này đang nuôi hơn 12.000 con lợn.

Lê Hoàng

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
© Bản quyền 2009-2020 Mạng ứng dụng thông minh      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap